Tả Phìn xã vùng cao thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đang đổi thay từng ngày nhờ biết kết hợp đầu tư phát triển kinh tế với phát triển du lịch cộng đồng.
ến với xã Tả Phìn thị xã Sa Pa chúng ta cảm nhận được cuộc sống của đồng bào ở đây đã khác xưa rất nhiều. Con đường đến xã Tả Phìn khang trang sạch sẽ, không còn những ngôi nhà tạm, thay vào đó hai bên đường những ngôi nhà mới cất. Có thể thấy cuộc sống ấm no bao trùm Tả Phìn.
Hiện xã Tả Phìn có 728 hộ dân với 3.700 nhân khẩu sinh sống ở 6 thôn bản. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 52,7%, dân tộc Dao hơn 35%… trong khi đó dân tộc Kinh chỉ chiếm 1,4%. Là xã có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống nhưng thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền cơ sở cũng như sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, năm 2018 xã Tả Phìn đã hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn – Đỗ Minh Trí đánh giá: Đối với 1 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ đảm bảo các yêu cầu về việc hoàn thành các tiêu chí về kinh tế, xã hội quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và củng cố chính trị tại cơ sở. Đây là một trong những đánh giá kết quả một cách khái quát nhất về kinh tế, xã hội của một địa phương. Có thể thấy, cuộc sống của đồng bào xã Tả Phìn đang đổi thay từng ngày. Việc biết kết hợp đầu tư phát triển kinh tế với phát triển du lịch cộng đồng đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào tại xã Tả Phìn hiện nay đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.
Ông Đỗ Minh Trí cho biết: Hoạt động kinh tế chủ yếu của bà con nhân dân xã Tả Phìn là hoạt động trong lĩnh vự nông lâm và du lịch cộng đồng, đây là hai lĩnh vực cơ bản. Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp ở đây có 2 hoạt động cơ bản. Thứ nhất sản xuất các sản phẩm nông lâm chủ lực có tính chất hàng hóa trọng điểm đó là sản phẩm hoa địa lan. Hiện nay trên địa bàn xã Tả Phìn có gần 600 hộ dân trồng hoa địa lan. Chỉ riêng sản phẩm hoa địa lan cho doanh thu những thời điểm cao điểm nhất trước Covid gần 60 tỷ đồng.
Ngoài hoa địa lan trên địa bàn Tả Phìn đồng bào còn trồng hoa thân, hoa chậu, hoa cắt cành, tiêu biểu như hoa đào hoa mai, hoa ly, hoa cúc, đặc biệt là hoa nhất chi mai. Toàn bộ các sản phẩm hoa lan, hoa đào thất thốn, nhất chi mai cung cấp ra thị trưởng vào dịp Tết Nguyên đán, còn hoa cắt cành phục vụ thường xuyên theo mùa. Bên cạnh các sản phẩm hoa, Tả Phìn còn trồng các loại rau chuyên canh trái vụ như: Rau cải, xu hào, cà chua, ớt xào… Tổng diện tích Tả Phìn gieo trồng khoảng 120 ha trong đó 70% ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho thị trường Sa Pa.
Với lĩnh vực lâm nghiệp, ông Trí phân tích, bên cạnh mục tiêu phát triển bảo vệ rừng bền vững, trong cộng đồng dân tộc thiểu số đồng bào có nhiều tri thức bản địa về chăm sóc sức khỏe và đó chính là lý do đã hình thành trên xã Tả Phìn một nghề sản xuất thảo dược tắm gắn với tri thức đồng bào dân tộc Dao đỏ.
Trong các sản phẩm hoạt động kinh tế liên quan đến sản xuất kinh doanh thảo dược tắm có hai mảng cơ bản, 1 là sản xuất hàng hóa đóng chai đóng gói sản phẩm chế biến sâu để phục vụ cung cấp cho thị trường trong ngoài tỉnh. Hoạt động thứ 2 là hoạt động dịch vụ tắm trị liệu chăm sóc sức khỏe tại chỗ. Toàn bộ nguyên liệu đầu vào là thảo dược được trồng, bảo vệ và khai thác có lộ trình theo quy hoạch dưới tán rừng.
Bên cạnh hoạt động phát triển kinh tế là sự kết hợp và đi liền với nó là phát triển du lịch cộng đồng như: Kinh doanh Homestay, hoạt động trải nghiệm, du lịch giáo dục, nghỉ dưỡng trên địa bàn xã Tả Phìn…Theo ông Trí, Tả Phìn được biết đến là điểm đến thân thiện, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa là định hướng dài lâu mà chính quyền và người dân nơi đây nỗ lực thực hiện. Đến với Tả Phìn du khách được tham quan trải nghiệm khám phá bản sắc các dân tộc ở Tả Phìn, với những điểm nhấn như tham quan tu viện cổ Tả Phìn; khám phá bản làng; trải nghiệm hái lá thuốc, làm thổ cẩm…
Từ khoảng chục năm trở lại đây, Tả Phìn bỗng nổi tiếng thu hút du khách bởi một loại hình dịch vụ độc đáo, đã trở thành đặc sản nơi đây, đó là tắm thuốc người Dao đỏ. Các vị thuốc trong thùng nước tắm của người Dao đỏ tác dụng tốt cho sức khỏe con người nên du khách từ khắp nơi tìm lên Tả Phìn hỏi mua lá thuốc, khách du lịch đến bản đều có nhu cầu được tắm lá thuốc, nên dịch vụ này phát triển.
Đặc biệt, đồng bào Tả Phìn đã biết phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của mình để giới thiệu, phát triển các sản phẩm thổ cẩm, với đủ kiểu dáng và sắc màu rực rỡ. Từ những chiếc ba lô, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, áo choàng thổ cẩm… đều do chính đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ nơi đây thêu dệt.
Với sự kết hợp phát triển kinh tế gắn với du lịch, tin chắc rằng trong tương lai không xa xã Tả Phìn sẽ trở thành một trong năm vệ tinh của khu du lịch quốc gia Sa Pa.
Nguồn: congthuong.vn/xa-ta-phin-ket-hop-phat-trien-kinh-te-voi-du-lich-217661.html